Tuyển tập sách Fukuzawa Yukichi

Tuyển tập sách Fukuzawa Yukichi

August 28, 2022
GrapBook
5

Tuyển tập sách Fukuzawa Yukichi

Cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi từ khi sinh ra cho đến những năm tháng tuổi già. Qua từng chi tiết nhỏ, từng vấp váp trong đời sống thường nhật hiện lên chân dung một con người kiên nghị, quyết đoán, luôn độc lập trong suy nghĩ, sắc sảo trong phê phán nhưng về mặt tâm tư, tình cảm lại không kém phần trầm lắng, sâu sắc.

Cuốn tự truyện còn tái hiện bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản với những chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX qua những trải nghiệm thực tế và con mắt phân tích sắc sảo của một người đương thời. Con đường chông gai của Nhật Bản trong tiếp thu nền văn minh của phương Tây để tăng cường nội lực văn hóa đã và sẽ còn để lại nhiều bài học quý giá cho nhiều quốc gia có những điểm tương đồng, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, chưa đọc Phúc ông tự truyện thì chưa thể hiểu nhân cách cũng như tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cuốn tự truyện không chỉ là lời tự thuật chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời của riêng Fukuzawa mà còn tái hiện được cả bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX. Và một điều cần nói thêm rằng, tất cả những biến động lớn lao đó của lịch sử Nhật Bản được phản ánh qua những trải nghiệm thực tế, sự phân tích sắc sảo với tư cách người đương thời và bằng giọng kể chân thành, ngôn ngữ giàu nhạc điệu của Fukuzawa, nghĩa là những gì được tái hiện lại trong cuốn tự truyện khác xa với sự tường thuật khuôn mẫu ở bất kỳ một cuốn sách về lịch sử nào khác.

Bàn Về Văn Minh


Bàn về văn minh được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản. Giàu tính triết luận, Bàn về văn minh bằng cách đặt ra hàng loạt các vấn đề xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế, đạo đức… đã mở ra con đường để Nhật Bản, với tư cách một nước đang phát triển, nối kết với thế giới văn minh, tiến bộ. Phản hồi lại các tư tưởng của những tác gia phương Tây đương thời như John Stuart Mill, Herbert Spencer, Thomas Buckle, Francois Guizot,cũng như phân tích thấu đáo hình thái tù đọng, đơn điệu của xã hội châu Á, Fukuzawa đã khích lệ cả tinh thần quốc gia lẫn tinh thần cá nhân, ngợi ca xu hướng tự do của khu vực tư nhân. ‘Đọc vị’ một cách sâu sắc các hình thái xã hội chậm tiến khác nhau đang vật lộn trên con đường phát triển, Fukuzawa Yukichi đã sáng suốt dự báo và khẳng định mô hình văn minh phương Tây như một con đường bắt buộc phải theo cho mọi quốc gia muốn tiến tới văn minh, tiến bộ; đồng thời, giúp độc giả nhận chân những giá trị tốt đẹp nhất, những giá trị vĩnh cửu, mà một quốc gia, một thể chế có thể đem đến cho mỗi con người.

Bàn về văn minh, do vậy, có thể được coi như cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về văn minh, cũng như con đường tiến tới văn minh của một xã hội, một dân tộc.

Khuyến Học


Khuyến học không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới đựơc in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.

Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn “trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng – như “không tin vào tai mình” – cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.

Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực tế”. Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là “làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.

Khái Lược Văn Minh Luận


Khái Lược Văn Minh Luận là cuốn sách đặc biệt quan trong của Fukuzawa Kukichi – nhà tư tưởng của cuộc Canh Tân Minh Trị để hình thành nên đất nước Nhật Bản hiện đại. Fukuzawa Kukichi nêu những kiến giải của ông về văn minh hiện đại hầu như đối lập với lối tư duy thủ cựu Nho giáo của Nhật Bản lúc bấy giờ. Từ đó, ông trình bày mọi suy nghĩ về tiến trình phát triển của người Nhật để trở thành một quốc gia, một dân tộc văn minh. Và theo ông, độc lập quốc gia là mục tiêu, và văn minh hiện tại của nước Nhật là cách thức để đạt được mục tiêu đó. (Lời giới thiệu – Nhật Chiêu)

Fukuzawa Yukichi viết cuốn sách này năm 1875, gần 10 năm sau khi công cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu ở Nhật. Đó là giai đoạn người Nhật vẫn phải đương đầu với những chống đối trong nước, với nhiều người thuộc phe có tinh thần bảo thủ muốn duy trì thể chế và nhất là văn hóa truyền thống lâu đời. Nhận thức được những khó khăn đó, Fukuzawa Yukichi tin rằng, cần lí giải rõ hành trình mà nước Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới, nền văn minh hiện đại của một quốc gia hiện đại. Cả cuốn sách đề cập đến tiến trình này dưới nhiều yếu tố như thiết chế, việc học tập, thương mại, ông mô tả văn minh như một dòng chảy tất yếu của loài người. Xuyên suốt cuốn sách, ông đề cập những yếu tố cơ bản của nền văn minh: đó là khai sáng, tự do, công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội.

Điểm cốt lõi của tác phẩm mà Fukuzawa hướng tới là những gì nước Nhật cần làm để trở thành một quốc gia văn minh, những thay đổi thể chế, chính sách quốc gia, ước muốn độc lập thực sự cả về thương mại, kinh tế và tư tưởng là mục tiêu cao cả nhất. (Lời giới thiệu – Nguyễn Cảnh Bình).